Thấm nước tại Hầm đường bộ Hải Vân

3:01 | 02/11/2012

(chongthamnguoc.vn) - Nhiều vết nứt trong hầm đường bộ Hải Vân

Công trình thế kỷ hầm Hải Vân lâu nay xuất hiện nhiều vết nứt dọc, ngang thành và trên vòm, gây thấm nước, mặc dù đã có hệ thống chống thấm gom nước ra ngoài. Nhưng đại diện công ty quản lý khẳng định, những vết nứt này không ảnh hưởng đến kết cấu và an toàn của hầm.

Cách cửa phía nam hầm đường bộ Hải Vân khoảng 20 m xuất hiện nhiều vết nứt dọc ngang hai bên thành, đường vòm của hầm. Thường xuyên qua đoạn hầm này, tài xế xe du lịch tên Dũng (đường Lê Duẩn, Đà Nẵng) cho biết, ngồi trên xe cũng có thể dễ dàng thấy được những vết nứt này. "Tôi lo ngại những vết nứt do kết cấu có thể dẫn đến hiểm họa", anh Dũng bày tỏ.

hầm Hải Vân
Ảnh Hầm Hải Vân

Trong báo cáo gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Khu Quản lý Đường bộ V cho biết, sau thời gian vận hành, khai thác (tháng 6/2005), hầm đường bộ này đã xuất hiện một số hư hỏng kết cấu bê tông cốt thép, nứt dọc, nứt ngang trên vòm và thành hầm, gây thấm và dột nước xuống làn đường xe chạy.

Cụ thể, tại vòm hầm các vết nứt đang lan ra các vị trí khác khiến nước vẫn thấm dột từ trên đỉnh vòm hầm. Chiều dài vết nứt 1-7 m, chiều rộng dưới 1 mm. Suốt chiều dài thành hầm có nhiều vết nứt trong kết cấu bê tông cốt thép, bề rộng vết nứt 1-2 mm, dài 1-7 m, và lớn nhất là 12 m, sâu trên 5 mm.

Chiều 1/11, ông Cao Bá Giang, Phó tổng giám đốc công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) cho biết, công ty đang giám sát các vết nứt này hàng ngày bằng mắt thường và kiểm tra định kỳ bằng máy.

"Từ ngày vận hành, hầm đường bộ đã xuất hiện các vết nứt và sau 7 năm không có sự cố nào xảy ra. Công ty đã mời các chuyên gia nước ngoài về tìm hiểu những vết nứt này. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định đó chỉ là những vết nứt hình chân chim và hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến kết cấu. Tổng cục đường bộ vào kiểm tra và nhận xét an toàn tuyệt đối", ông Giang nói.

Nguyên là cán bộ kỹ thuật giám sát thi công hầm đường bộ Hải Vân trong 3 năm, ông Giang cho hay, đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam áp dụng công nghệ NATM của Áo, bằng việc nổ mìn mở đường hầm và khi các phần tử đá ngừng dao động sau nổ mìn 120 ngày sẽ tạo thành kết cấu vòm hầm nguyên thủy từ đá suốt chiều dài của hầm. Kết cấu này đã trở thành dạng cân bằng mới chứ không chịu lực trực tiếp từ khối núi Hải Vân phía trên.

Lớp bê tông, nơi xuất hiện các vết nứt, chỉ là lớp áo bên ngoài giúp tạo hình dáng của hầm đường bộ. Kết cấu bê tông cốt thép cũng chỉ xuất hiện ở hai đầu cửa hầm. Minh chứng là một đường hầm phụ, đang được khai thác song song, còn nguyên lớp đá sau khi nổ mìn và không bị ảnh hưởng gì.

Hầm Hải Vân 02
Kết cấu vòng hầm Hải Vân từ đá nguyên thủy, phía cửa hầm được gia cố thêm vòm thép chịu lực. 

Cũng theo chuyên gia này, trong quá trình xây dựng, cứ khoảng 10 m sẽ có khe co giãn của bê tông, có hệ thống chống thấm gom nước ra ngoài. Trang thiết bị đáp ứng được các thông số kỹ thuật và lưu lượng 15.000 khách một ngày, đêm. Do đó việc thấm dột được lý giải là do hơi nước ẩm kết tụ lại, hay đơn giản là "những giọt mồ hôi" chảy ra từ chiếc áo bê tông.

Công trình hầm đường bộ Hải Vân được khởi công xây dựng năm 2000 với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 251 triệu USD (tương đương 3.465 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Việc xây dựng phần hầm phía Nam do liên doanh Đông An (Hàn Quốc) và Sông Đà (Việt Nam) thi công.

Đây là công trình hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á (6.280 m), xuyên qua đèo Hải Vân, nối liền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Quy mô công trình là vĩnh cửu, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, tải trọng 30 tấn.

Tham khảo thêm về quy trình xử lý vết nứt